Theo tính toán của Bộ Công Thương, năm 2011 nước ta sẽ phải nhập khẩu 100.000 tấn thịt. Trong khi đó, Bộ NN&PTNT lại cho rằng nguồn cung thịt trong nước sẽ đủ cung cấp và không cần phải nhập. Việc nhập khẩu thịt vào thời điểm này tạo thêm áp lực cho người chăn nuôi vốn dĩ gặp không ít khó khăn.
Người chăn nuôi lo lắng
Lý do Bộ Công Thương đưa ra đề xuất nhập 100.000 tấn thịt là trong thời gian vừa qua, giá thịt lợn liên tục tăng và đứng ở mức cao. Cụ thể tại các trại chăn nuôi ở khu vực miền Đông Nam bộ, giá lợn hơi bán tại trại hiện ở mức 60.000 - 61.000 đồng/kg, thậm chí có nơi giá tăng lên mức 65.000 đồng/kg, tăng 15.000 - 17.000 đồng/kg so với thời điểm cuối năm 2010. Còn ở phía Bắc, giá thịt lợn tại các chợ được đẩy lên trên 90.000 đồng/kg.
Mặc dù chưa có quyết định chính thức, song đề xuất nhập khẩu thịt của Bộ Công Thương đã khiến cho nhiều chủ trang trại, người chăn nuôi lo lắng. Anh Nguyễn Trọng Long, Giám đốc Công ty CP chăn nuôi và dịch vụ Hoàng Long, xã Tân Ước, huyện Thanh Oai với quy mô 3.000 lợn chia sẻ: Người chăn nuôi Việt Nam vừa trải qua những đợt dịch bệnh liên tiếp như "sóng" từ năm ngoái đến nay. Nếu Nhà nước cho nhập khẩu thịt lợn thời điểm này sẽ làm cho giá thịt trong nước giảm mạnh, ngành chăn nuôi trong nước sẽ bị "thui chột", không có cơ hội phát triển. Cùng quan điểm trên, anh Nguyễn Văn Phúc, chủ trang trại thôn Thanh Hà, xã Nam Sơn, huyện Sóc Sơn bày tỏ: "Nhập thịt lúc này là làm khổ bà con nông dân. Vì sẽ làm cho giá thịt giảm trong khi giá thức ăn chăn nuôi tăng cao, người nông dân sẽ có tâm lý chán nản, lo lắng và nguy cơ bỏ chuồng cao".
Ông Trần Công Xuân, Chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi gia cầm Việt Nam cũng chia sẻ, hiện tại người chăn nuôi đã bắt đầu có lãi nhưng lãi mới "hé nở" trong một thời gian ngắn, chưa bù đắp được thua lỗ trong thời gian qua.
Cân nhắc lợi ích lâu dài
Ông Xuân cho biết, việc nhập khẩu thịt trong thời điểm hiện tại cần tính đến bảo hộ sản xuất trong nước. Phải làm sao cân đối hài hòa lợi ích của người tiêu dùng và người chăn nuôi, chứ nếu chỉ đề cao việc nhập khẩu mà không nghĩ đến tổng thể, không nghĩ đến những người sản xuất ra thực phẩm cho cả nước thì không ổn. Chúng ta vẫn kêu gọi "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" để khuyến khích sản xuất trong nước. Vậy mà, bây giờ khi chăn nuôi bắt đầu có dấu hiệu hồi phục mà lại nhập khẩu thì sẽ ảnh hưởng rất nặng nề. "Nếu như nhập khẩu thì phải nâng chỉ tiêu về vệ sinh thú y, vệ sinh an toàn thực phẩm hay đánh thuế chặt chẽ để cân đối lượng thịt nhập" - ông Xuân kiến nghị.
Theo Thạc sĩ Trần Ngọc Yến, chuyên gia phân tích ngành hàng thịt thực phẩm, Công ty CP phân tích và dự báo thị trường Việt Nam (Agromonitor), việc nhập khẩu hiện nay chỉ đáp ứng được nhu cầu ngắn hạn. Nhưng còn về trung và dài hạn thì sao, liệu các nhà chính sách đã tính đến? Bởi nếu nhập khẩu thời điểm này, tốc độ tái đàn sẽ chậm lại. Điều này sẽ ảnh hưởng đến nguồn cung thịt trong những tháng cuối năm. Hơn nữa, giá thịt trong thời điểm này đã bắt đầu hạ nhiệt, cho thấy nhu cầu thịt trên thị trường đã đi vào ổn định. Mặt khác, thời điểm mùa Hè, nhu cầu thịt thực phẩm cũng giảm, do đó Bộ Công Thương cần tính toán kỹ lợi ích thiệt hơn khi đề xuất nhập khẩu thịt. Thay vào đó, nên xây dựng chiến lược lâu dài giúp cho ngành chăn nuôi đứng dậy, giữ bình ổn mặt hàng thực phẩm.
Những ý kiến trên không phải là không có lý. Còn nhớ bài học "xương máu" năm 2008, chúng ta giảm thuế nhập khẩu đối với mặt hàng thịt nên một lượng lớn thịt được nhập về. Chỉ tính riêng 8 tháng đầu năm 2008 đã nhập trên 118.000 tấn thịt đông lạnh, tăng gấp 3 lần so với năm 2007. Do đó tính cả Quý I và II/2008, ngành chăn nuôi trong nước không hề có tăng trưởng.
Theo báo KTĐT